KHẼ CHẠM TRÁI TIM

20-11-2018

Trong suốt một năm giảng dạy của mình, chắc hẳn bất kỳ người Thầy người Cô nào cũng sẽ có những khoảnh khắc, những câu chuyện cảm động cho riêng mình.

Khẽ Chạm Trái Tim

Trong suốt một năm giảng dạy của mình, chắc hẳn bất kỳ người Thầy người Cô nào cũng sẽ có những khoảnh khắc, những câu chuyện cảm động cho riêng mình.

Những câu chuyện cứ ngỡ rất đơn giản nhưng lại chạm vào trái tim của mỗi người bằng sự chân thành đáng quý của nó. Nhân ngày 20/11, chúng ta hãy cùng đọc theo những suy nghĩ của Lê Thị Trà Mi – SGA Hồ Biểu Chánh để cảm nhận được nhiều hơn  nhiệt huyết của các Thầy Cô mầm non.

saigon-academy-khe-cham-trai-tim-1.jpg

“Nghề giáo viên mầm non không chỉ là dạy mà còn phải dỗ, không chỉ là giáo dục mà còn phải chăm sóc cho các em bằng trái tim của một người mẹ”.

Tôi bước chân vào nghề nhà giáo đến nay đã được gần bảy năm. Bảy năm là khoảng thời gian không phải là dài để tôi có thể thấu hiểu hết về nghề nhưng đủ để tôi nhận ra rằng đây là một nghề thiêng liêng cao quý và tôi phải có trách nhiệm hơn với nghề mình đã chọn.

Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi vẫn luôn được dặn dò rằng: “Nghề giáo viên mầm non không chỉ là dạy mà còn phải dỗ, không chỉ là giáo dục mà còn phải chăm sóc cho các em bằng trái tim của một người mẹ”.

Cứ ngỡ những kiến thức, kỹ năng mà tôi đã tích lũy trong suốt những năm học sẽ giúp tôi vượt qua một cách dễ dàng khi va chạm thực tế. Nhưng thực tế luôn khác xa với lý thuyết. Chọn con đường này tôi thấy thật đơn giản, nhưng đi trên con đường đó tôi mới thấy gập ghềnh, chông gai biết bao nhiêu. Tưởng đâu chưa đi hết một chặng đường mà đã bỏ cuộc gian dở vì những đắng cay, tủi hờn mà tôi đã trải qua. Ngẫu nhiên tôi may mắn được gia nhập vào hệ thống Saigon Academy nói riêng cũng như tập đoàn Nguyễn Hoàng nói chung. Khi gia nhập vào ngôi nhà mới, tôi hoàn toàn xa lạ với phương châm: “Ươm mầm trí tuệ cho trẻ từ 0 tuổi và phương pháp giáo dục sớm” cũng như câu slogan của tập đoàn: “UY TÍN & LÃNG MẠN”. Tại sao một tập đoàn lớn dẫn đầu về ngành giáo dục lại chọn khẩu hiệu như vậy? Sự thắc mắc cứ ấp ủ trong tôi. Câu chuyện tôi sắp chia sẻ đến mọi người như một lời giải đáp cho sự thắc mắc đó.

Công việc của tôi ngày ngày đều phải tiếp xúc với những đứa trẻ, từ năm này qua năm nọ. Tôi đã ươm biết bao nhiêu mầm xanh. Có những mầm xanh đã trở thành cây con, người trồng cây luôn thích thú theo dõi chúng phát triển từng ngày. Trong những mầm xanh ấy, có một cậu bé rất ấn tượng đối với tôi. Cậu là một đứa trẻ đặc biệt, đặc biệt về tính cách lẫn nhận thức. Cậu ta luôn khép lòng với mọi người ngay cả những người thân trong gia đình. Và người đã chạm đến trái tim của cậu bé, giúp cậu mở lòng mình ra, đón nhận sự yêu thương từ thầy cô và gia đình đó không phải là tôi, mà là một người không chỉ giúp riêng mình cậu bé đó mà còn giúp tôi nhìn nhận lại bản thân và biết trân quý nghề hơn.

Thầy AJ, tên thân mật mà chúng tôi vẫn thường gọi thầy giáo dạy tiếng anh trong trường. Qua những lần tiếp xúc với thầy, tôi nhận thấy ở thầy một tình thương đối với trẻ mà không từ nào tôi có thể diễn đạt được.

Quay lại với cậu bé đặc biệt của tôi. Thật khó khăn khi bắt cậu phải làm quen với một môi trường mới. Cậu không phải là học sinh do tôi phụ trách, cậu chỉ là một đứa trẻ như những đứa trẻ bình thường khác nhưng gây cho tôi sự chú ý bởi những tiếng la hét thất thường khi một ai đó xa lạ chạm vào người cậu. Mà hiển nhiên cậu mới gia nhập vào trường nên tất cả chúng tôi đều xa lạ đối với cậu ấy. Một buổi chiều khi đang ngồi chơi với những học trò của mình, tôi  tình cờ nhìn thấy cậu bé đang đứng ngoài sân, cậu ấy không chơi bất kỳ trò chơi nào mà chỉ đứng nhìn với một ánh mắt vô hồn. Tôi nghĩ rằng chắc cậu bé đang mong chờ điều gì đó. Chờ mẹ đến đón mình chăng? Chợt tôi thoáng nghe tiếng ai đó gọi: “Ken ơi, mẹ đến đón con nè.” Cậu không có phản ứng gì khi nghe mẹ gọi tên. Cậu thấy mẹ mà cứ như người xa lạ. Bỗng trong tâm tôi có gì đó nhói đau, nhói đau cho cậu bé và cả cho người mẹ.

Sau đó tôi được biết, khoảng không mà cậu tiếp xúc suốt những ngày dài là căn phòng kín, người ở cùng cậu trong khoảng không ấy, trong từng đó thời gian dường như chỉ có bà. Có lẽ đó là nguyên nhân chính khiến cậu trở nên như vậy. Nhưng tình yêu của bà dành cho cậu vẫn chưa thật sự vĩ đại bằng tình yêu của người MẸ. Tình yêu đó dù có rộng lớn bao nhiêu cũng không thể đem lại lời nói, tiếng cười, sự hồn nhiên và trong sáng đến cho cậu. Cậu bé bị chậm phát triển về ngôn ngữ, vô cảm với mọi người và thờ ơ trước mọi thứ. “CHẬM”, mọi người sẽ nghĩ chỉ là chậm mà thôi, rồi nó cũng sẽ phát triển bình thường lại mà. Nhưng sẽ gây hậu quả như thế nào khi sự việc “chậm” đó cứ kéo dài mãi. Nếu không có ai mở rộng cửa sổ tâm hồn cậu thì cuộc đời cậu sẽ ra sao, cậu sẽ phát triển về nhận thức như thế nào? Chúng tôi, ai cũng cố gắng tiếp xúc với cậu nhưng chẳng ai chạm được tới ánh mắt và trái tim cậu. Cậu vẫn nhìn mọi thứ bằng cái nhìn riêng, còn chúng tôi nhìn cậu bằng cái nhìn có cả tình thương và sự day dứt. Có một người vẫn lặng nhìn cậu hằng giờ như thế. AJ, anh chỉ nhìn và chẳng nói gì. Một chữ “LẶNG” tròn trĩnh.

Tiếng khóc, tiếng la hét cứ thế vẫn vang lên đều đặn, dường như không còn xa lạ gì đối với chúng tôi. Bên cạnh cậu học trò bé nhỏ, lại có thêm một vóc hình to lớn của người thầy từ dạo ấy.

Một ngày đẹp trời, nhà trường tổ chức cho các bé đi dã ngoại. Đây cũng là một trong những chương trình giáo dục rèn kỹ năng sống của trường tôi. Tôi và cậu bé ấy lại có cơ hội gần gũi nhau. Cậu bé như một cuốn truyện lôi cuốn tôi, càng đọc càng thấy hấp dẫn.

Ngồi trên xe, tôi thấy cậu chẳng nói tiếng nào, chỉ đúng một tư thế và cứ nhìn mãi ra ngoài. Ngoài đường xe cộ tấp nập lắm nhưng tôi cảm nhận được trong lòng cậu bé đang trống trải vô cùng. Bạn bè vui vẻ cười nói nhưng cậu thì thờ ơ, không màn đến những chuyện như vậy. Rồi cũng đã đến nơi mà chúng tôi cần đến. Các bạn cùng lớp với cậu xếp hàng ngay ngắn, trật tự. Còn cậu, như thể thế giới là của riêng mình, cậu ra sức làm những gì mình thích. Cậu chống đối lại tất cả những ai giúp cậu vào khuôn khổ, nề nếp. Chúng tôi dường như cảm thấy bất lực. Từ phía sau tôi, một giọng nói vội vã vang lên “Let me”. Tôi chắc hẳn người thầy ấy cũng đã đoán được chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi tiến vào trong, mọi người xung quanh trầm trồ khen lũ trẻ làm chúng tôi vô cùng hãnh diện. Bỗng, tôi chợt giật mình, dáo dác nhìn xung quanh như đang tìm kiếm một cái gì đó. Đứng trước tự hào, tôi vẫn không quên cậu bé. Lương tâm tôi lại trỗi dậy. Tôi thở dài chứng kiến cảnh cậu đi đến đâu, đồ đạc vứt lung tung đến đó. Và rồi, lặng lẽ từ phía sau, đồ đạc lại về đúng chỗ của nó. Ai cũng nghĩ rằng người thầy như thể đang ủng hộ cho những hành động của cậu. Nhưng đến bây giờ tôi mới hiểu được đó là bước mở đầu cho con đường dẫn người thầy ấy đi đến trái tim cậu. Ngày lại ngày trôi qua, hai bóng hình ấy vẫn cứ song hành cùng nhau. Còn tôi, công việc và những học trò nhỏ đã làm tôi xao lãng cuốn truyện mà tôi đang theo dõi. Câu chuyện mà tôi chia sẻ với mọi người xảy ra đến nay cũng đã được một năm. Bây giờ cậu bé đặc biệt ấy đã khác. Cậu đã mở lòng ra đón nhận chúng tôi, tiếng khóc ngày nào giờ đây đã thay bằng lời nói, tiếng cười.Những thay đổi của cậu bé làm chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Và chúng tôi nhận ra rằng, “UY TÍN & LÃNG MẠN” rất gần gũi với chúng tôi. Nó hiện hữu trong những việc hết sức là nhỏ nhặt. Câu chuyện của tôi tuy bình dị nhưng nó chứa đựng ý nghĩa rất lớn lao, người thầy đã cảm hóa cậu bằng niềm tin, bằng tình thương, sự nhẫn nại, kiên trì và bao dung… Những đức tính đó được gói gọn trong hai từ: “UY TÍN & LÃNG MẠN

Cho đến bây giờ “UY TÍN & LÃNG MẠN” vẫn luôn đồng hành cùng chúng tôi hàng ngày trong công việc. Nó là sợi dây kết nối chúng tôi với học trò, kết nối chúng tôi lại với nhau. Nó không chỉ có ở chúng tôi, những con người theo nghề được cho là thiêng liêng cao quý này, mà còn có ở những con người bình dị nhất. Như bác bảo vệ ra ca nhưng vẫn nán lại sửa cho xong chiếc xe đạp đồ chơi, hay cô cấp dưỡng hàng ngày vẫn hỏi thăm chúng tôi về giờ ăn của các bé…

Nhìn lại bản thân, tôi vẫn chưa nổ lực hết sức mình. Tôi lấy đó là tấm gương để làm động lực giúp mình vượt qua những khó khăn trong nghề, và đó cũng là công cụ hỗ trợ cho tôi vững bước đi trên con đường mà mình đã chọn.

Chợt tôi ngỡ ra rằng: “UY TÍN & LÃNG MẠN” bắt nguồn từ cái tâm của người giáo viên.

saigon-academy-khe-cham-trai-tim-2.jpg

UY TÍN & LÃNG MẠN” bắt nguồn từ cái tâm của người giáo viên

 

 Lê Thị Trà Mi – Giáo viên cơ sở Hồ Biểu Chánh

Chương trình giáo dục

Chương trình GIÁO DỤC SỚM 0 TUỔI gồm 8 lĩnh vực phát triển toàn diện cho trẻ, được thiết kế dựa trên 56 chỉ số phát triển quan trọng nhằm xác định các mục tiêu học tập cơ bản đối với trẻ nhỏ